9 LƯU Ý KHI THUÊ MẶT BẰNG KINH DOANH

9 LƯU Ý KHI THUÊ MẶT BẰNG KINH DOANH

1. KHẢO SÁT ĐỊA THẾ

Khảo sát địa thế là điều quan trọng nhất khi thuê mặt bằng. Một mặt bằng có thể mang lại hiệu quả kinh doanh hay không phụ thuộc vào những yếu tố như:

- Vị trí mặt bằng có dễ thấy không?

- Lưu lượng xe qua lại nhiều hay không?

- Diện tích bao nhiêu?

- Chiều ngang mặt bằng có rộng để dễ thu hút khách không?

- Lề đường rộng hay hẹp, có chỗ để xe cho khách không?

- Đường có cấm đậu, cấm đổ xe ô tô không?

- Xe ô tô có vào được không?

- Các cửa hàng xung quanh trên trục đường đó kinh doanh mặt hàng gì? Có cạnh tranh với mặt hàng bạn kinh doanh hay không? …

2. THỎA THUẬN GIÁ THUÊ VÀ TIỀN CỌC

Trước khi thuê mặt bằng, bạn cần tìm hiểu về giá cả của những mặt bằng xung quanh và những mặt bằng ở các quận lân cận. Thông thường, giá thuê có thay đổi theo từng năm. Bạn cần thỏa thuận mức giá thay đổi bao nhiêu % mỗi năm để có dự tính về tài chính.

Trong những trường hợp bất khả kháng như dịch bệnh, cửa hàng phải đóng cửa theo quy định của Nhà nước thì chủ nhà sẽ hỗ trợ giảm giá thuê không? Nếu có, thì mức giá giảm bao nhiêu %.

Tiền cọc là khoản tiền không thể thiếu trong hầu hết các hợp đồng thuê mặt bằng. Bạn cần thỏa thuận với người cho thuê tiền cọc bao nhiêu là phù hợp. Thông thường, tiền cọc bằng 3 tháng tiền thuê.

Ngoài ra, Các khoản phí nhỏ như tiền điện, tiền nước, tiền internet, tiền rác… bạn cũng cần phải thỏa thuận cụ thể với chủ nhà, đặc biệt trong trường hợp mặt bằng thuê có chủ nhà ở cùng. Để đảm bảo sự rõ ràng, tốt nhất bạn nên yêu cầu chủ nhà gắn thêm đồng hồ điện/ đồng hồ nước….

3. THỎA THUẬN CHI TIẾT KHI CẦN SỬA CHỮA

Tùy theo mục đích kinh doanh của bạn và tình trạng mặt bằng khi thuê. Thông thường, người thuê sẽ phải sửa chữa mặt bằng cho phù hợp với nhu cầu sử dụng.

Bạn cần liên hệ với kiến trúc sư hoặc thầu xây dựng để xác định những hạng mục cần sửa chữa và chi phí sửa chữa. Sau đó, bạn cần thống nhất với chủ nhà và thương lượng mức phí hỗ trợ phù hợp.

Ngoài ra, khi bạn không thuê nữa, bạn cần thương lượng cụ thể với chủ nhà tình trạng mặt bằng khi hoàn trả, nhiều trường hợp, chủ nhà sẽ yêu cầu bạn hoàn trả lại hiện trạng trước khi thuê, trường hợp đó, thì cần hoàn trả lại hiện trạng của những hạng mục nào cụ thể và thể hiện rõ trong hợp đồng thuê, tránh gây nên sự tranh chấp sau này.

4. NGƯỜI KHAI VÀ NỘP THUẾ

Nếu bạn là doanh nghiệp thuê mặt bằng để kinh doanh, thì bạn cần hóa đơn tài chính để khai thuế.

Để có hóa đơn tài chính thì chủ nhà phải khai và nộp thuế thu nhập cá nhân, nhiều chủ nhà sẽ không đồng ý trả khoản thuế thu nhập đó và bạn sẽ phải trả thay. Do đó, bạn cần thương lượng với chủ nhà, ai sẽ là người khai và nộp thuế để bạn có được hóa đơn tài chính.

5. ĐỀN BÙ KHI HỦY HỢP ĐỒNG TRƯỚC THỜI HẠN

Đối với người thuê, khi hủy hợp đồng trước thời hạn, bạn sẽ mất tiền cọc cho chủ nhà.

Trường hợp ngược lại, chủ nhà muốn hủy hợp đồng thuê trước thời hạn do nhiều lý do như: không muốn cho thuê nữa, lấy lại mặt bằng để tự kinh doanh …

Trong khi đó, mặt bằng đó đang mang lại 1 khoản lợi nhuận to cho bạn. Vì vậy, theo lời khuyên của 1 số chuyên gia, bạn cần thỏa thuận với chủ nhà mức phí đền bù khi chủ nhà hủy hợp đồng tương đương với lợi nhuận kinh doanh của bạn trong thời gian nhất định.

Ví dụ, 1 tháng bạn kiếm lời 100 triệu đồng, thì chủ nhà sẽ phải trả bạn số tiền đền bù tổn thất là 100 triệu đồng nhân cho 12 tháng tương đương với 1.2 tỷ đồng… Số tiền đền bù cụ thể sẽ do bạn tự xác định và thỏa thuận trước với chủ nhà khi ký hợp đồng để đảm bảo quyền lợi của bạn.

6. LỐI ĐI RIÊNG

Đây là 1 yêu cầu “đặc biệt” tùy theo nhu cầu kinh doanh của bạn, bạn tìm mặt bằng có lối đi riêng hay lối đi chung với chủ nhà.

Trường hợp bạn phải thuê mặt bằng có lối đi chung với chủ nhà thì bạn cần phải thỏa thuận rõ trong hợp đồng với chủ nhà như:

- Đền bù khi thất thoát hàng hóa.

- Xe chủ nhà có được để trong nhà hay không?

- Bạn bè chủ nhà tới chơi thì phạm vi hoạt động thế nào ?

- Trường hợp chủ nhà có nuôi thú cưng thì thú cưng ở đâu? …

7. NHÀ KHÔNG CÓ TRANH CHẤP

Bạn đừng quên tìm hiểu kỹ tình trạng mặt bằng bạn dự định thuê: nhà có đang trong quá trình tranh chấp hay không?

Trường hợp nhà hiện tại không có tranh chấp, nhưng bạn cần phải thỏa thuận rõ trong hợp đồng thuê trường hợp có phát sinh tranh chấp thì chủ nhà cần phải đền bù như thế nào cho bạn.

8. CHỦ NHÀ KHÔNG CÓ NỢ NẦN

Đây là 1 yếu tố mang tính “nhạy cảm”, hiếm khi chủ nhà cho bạn biết tình hình tài chính cũng như tình trạng nợ nần mà họ đang gánh.

Tuy nhiên, để phòng trường hợp rủi ro chủ nhà có khoản nợ khó đòi dẫn đến tranh chấp, bị chủ nợ tạt sơn hay đến trước cửa hàng bạn gây rối ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh của bạn, bạn cần bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách thỏa thuận rõ trong hợp đồng thuê.

9. CÔNG CHỨNG HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ

Cuối cùng, để đảm bảo quyền lợi của cả 2 bên, hợp đồng thuê nhà phải được công chứng bởi phòng công chứng.

Hợp đồng được công chứng thì bạn mới có chứng từ để làm các thủ tục như xin giấy phép kinh doanh tại địa điểm thuê, khai thuế và xuất hóa đơn tài chính… Tóm lại, trên đây là những điểm cần lưu ý khi thuê mặt bằng kinh doanh.

Theo danhgiahay.vn

Email nhận khuyến mãi:

Danhgiahay.vn

 Số 5 Đường 39, Phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân, TP.HCM

 0347361380

© Copyright 2022 www.danhgiahay.vn, all rights reserved

Thiết kết website Webso.vn